Lên lịch trình chi tiết, không uống rượu bia, bình tĩnh xử lý trước những tình huống giao sẽ giúp bạn có hành trình du xuân vui vẻ, an toàn.
1. Đã uống rượu bia, thì không lái xe
Hành trình du xuân, đôi khi bắt đầu bằng việc đi chúc Tết. Tuy nhiên, nếu nể nang gia chủ, uống một vài ly bia, rượu… rồi lái xe, không chỉ vi phạm pháp luật, hành động đó còn mang lại nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh.
Khi uống rượu bia, người lái xe không thể tập trung cao độ để di chuyển. Với chất cồn trong người dẫn đến lái xe dễ buồn ngủ và không còn khả năng làm chủ tay lái và tốc độ.
Để đảm bảo hành trình du xuân an toàn, nếu còn tiếp tục lái xe, tuyệt đối không nên sử dụng rượu bia.
2. Lên lịch trình chi tiết
Đầu năm du xuân, và để tránh “xui xẻo”, bạn nên có sẵn kế hoạch du xuân chi tiết, như thời gian xuất phát, địa điểm nghỉ ngơi trên hành trình, kế hoạch ăn uống dọc đường, hay lường trước những tình huống ùn xe, tắc đường hàng km hay vài giờ đồng hồ.
Thông thường, trước và trong Tết, đường xá khá đông đúc, bạn nên chuẩn bị tinh thần sẽ mất nhiều thời gian di chuyển hơn, thêm khoảng 50% thời gian hành trình so với ngày thường, đặc biệt là đến các điểm du lịch. Bằng kinh nghiệm, hoặc hỏi người quen, nên cập nhật thông tin tuyến đường dự định di chuyển để hành trình của bạn được chính xác hơn.
Không nên lái xe từ khoảng nửa đêm đến 6 giờ sáng, khi bạn không tỉnh táo, hay chạy chậm khi đi vào những cung đường mới lạ, luôn tập trung quan sát hai bên đường. Nói chung, giảm tốc độ và bấm còi khi có xe máy phía trước, bởi Tết, nhiều người tham gia giao thông trong hơi men.
Quan trọng, cần có kế hoạch kiểm tra xe trước khi du xuân. Ngoài việc thay nhớt theo đúng thời gian, nhất thiết kiểm tra bình ắc-quy, sẵn sàng thay mới nếu thời gian sử dụng trên 2 năm hoặc có hiện tượng bình yếu, để tránh trường hợp đầu năm bình yếu không đề nổ máy được.
Đổ thêm nước rửa kính, kiểm tra và đổ thêm nước làm mát nếu cần thiết. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra bốn bánh xe, cân bằng động nếu cần thiết, đảm bảo chiếc xe đầu năm vận hành trơn tru nhất.
3. Giữ đúng tư thế lái xe
Nhiều gia đình khá chủ quan khi cho các bạn nhỏ du xuân, ngồi tự do trên xe, thậm chí ở hàng ghế trước và không thắt dây an toàn. Với tình huống bất ngờ, khi bạn phanh gấp hay có xe xô tới từ phía sau, những đứa trẻ có nguy cơ cao bị chấn thương.
Vì vậy, hãy thắt dây toàn dù ngồi ở bất cứ vị trí nào trong xe. Với trẻ nhỏ, cần có thêm ghế chuyên dụng để việc thắt dây an toàn phát huy hiệu quả cao nhất.
Khi cầm lái, hãy chỉnh ghế, gương sao cho có tư thế ngồi thoải mái nhất và dễ quan sát xung quanh. Luôn nhớ, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và giữ tốc độ hợp lý. Hãy giữ khoảng cách giúp bạn có đủ thời gian xử lý với các tình huống giao thông, không bị phân tâm, không đọc và trả lời tin nhắn khi lái xe.
Dừng nghỉ ngơi khi cần thiết. Bạn có thể nghỉ khoảng 15 phút cho 3 giờ lái xe liên tục hoặc sau mỗi 100 km.
4. Bình tĩnh xử lý tình huống giao thông
Tuân thủ tốc độ, nhất là khi thấy các biển báo khu dân cư. Đôi khi đường vắng dễ làm bạn vượt tốc độ cho phép rồi gặp cảnh sát giao thông ngay khi vừa qua khỏi biển báo khu dân cư.
Không chủ quan trong các tình huống vượt, quan sát phương tiện di chuyển phía trước, đường ngang, ngõ… để vượt xe an toàn hơn. Ngày Tết, có một lượng xe máy tham gia giao thông mà người điều khiển có hơi men, vì vậy luôn bình tĩnh trong các tình huống để tránh va chạm.
Ngoài ra, trong những tình huống đường vắng, không nên chủ quan tăng tốc quá nhanh hay vượt mà không có tầm quan sát tốt. Đôi khi, một chiếc xe ngược chiều, cũng đi trên cung đường vắng, tài xế cũng có tâm lý chủ quan, thì với tình huống bất ngờ, tốc độ xử lý sẽ chậm hơn.